Phải tạo ra “áp lực đổi mới” thực sự
- Theo chia sẻ của nhiều giáo viên THPT, thực trạng giảng dạy Toán hiện nay đang chủ yếu hướng đến kĩ năng giải bài tập Toán, chỉ là một yếu tố hình thành năng lực tính toán. Quan điểm của thầy như thế nào và làm sao để khắc phục tình trạng này?
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xác định lĩnh vực giáo dục Toán học có ưu thế hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tính toán, năng lực tư duy toán học, năng lực giải quyết các vấn đề toán học, năng lực mô hình hoá toán học, năng lực giao tiếp toán học (nói, viết và biểu diễn toán học), năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện học Toán (đặc biệt là công cụ công nghệ thông tin và truyền thông); giúp học sinh nhận biết toán học như là một phương tiện mô tả và nghiên cứu thế giới hiện thực, là công cụ thực hành ứng dụng trong học tập các môn học khác.
Tuy nhiên, đúng là thực trạng giảng dạy Toán hiện nay đang chủ yếu hướng đến kĩ năng giải bài tập Toán, chỉ là một yếu tố hình thành năng lực tính toán. Quá trình này diễn ra đã lâu, nhất là đối với những giáo viên đã giảng dạy lâu năm. Việc đồng nhất học Toán với học giải bài tập Toán đáp ứng các kỳ thi đã làm cho môn Toán vốn đã trừu tượng lại càng trở nên xa rời thực tế.
Người học nói riêng và xã hội nói chung không nhận biết được Toán học như là phương tiện mô tả và nghiên cứu thế giới hiện thực, là công cụ thực hành ứng dụng trong học tập các môn học khác. Cùng với đó là trình độ của giáo viên giảng dạy Toán phổ thông bị bào mòn, đóng khung vào những mẹo mực vụn vặt, những kĩ thuật tính toán lắt léo.
Để thay đổi được thực trạng này, việc tập huấn và bồi dưỡng giáo viên giảng dạy Toán phổ thông là rất cần thiết. Thực tế có một số giáo viên giảng dạy Toán ở phổ thông phần nào còn hạn chế về năng lực vì nhiều lí do. Việc bồi dưỡng tập huấn là một giải pháp rất tốt nhưng với điều kiện người giáo viên cần có ý thức, động lực và thậm chí là áp lực thay đổi hoạt động giảng dạy của bản thân.
Song song với việc bồi dưỡng tập huấn như đã trình bày ở phần trên, các cấp quản lí giáo dục có thể nghĩ đến chế tài “đổi mới” đội ngũ giảng dạy cùng với đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để tạo “áp lực đổi mới” thực sự đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy Toán phổ thông.
Giáo viên quyết định thành công đổi mới
- Năm 2018, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chính thức được đưa vào nhà trường phổ thông. Vậy theo thầy, việc dạy học Toán hiện nay cần thay đổi như thế nào để có thể nhanh chóng tiếp cận với sự đổi mới về chương trình, SGK?
Đối với việc dạy học Toán hiện nay, việc thay đổi ở giáo viên sẽ là yếu tố quyết định để nhanh chóng tiếp cận với sự đổi mới về chương trình, SGK giáo dục phổ thông Toán từ năm 2018.
Bộ GD&ĐT đã đề xuất giải pháp về tập huấn giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có bộ sách giáo khoa mới để cho giáo viên Toán thực hành bồi dưỡng. Do đó, cần sớm ban hành sách giáo khoa mới, cùng với đó là tài liệu hướng dẫn dạy học môn Toán theo chương trình mới. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT cần chủ trì sớm việc bồi dưỡng giáo viên dạy học Toán ở trường phổ thông.
Cùng với việc bồi dưỡng tập huấn của Bộ và các cấp quản lí, mỗi bộ môn Toán ở trường phổ thông cần có kế hoạch trao đổi chuyên môn và thực hành giảng dạy các nội dung theo chương trình đổi mới một cách thường xuyên. Trên cơ sở đó, giáo viên giảng dạy Toán phổ thông sẽ làm quen dần với sự đổi mới của chương trình môn Toán.
Cần phá vỡ việc giảng dạy Toán như một “ốc đảo”
- Dạy học tích hợp và phân hóa là điểm nhấn quan trọng trong chương trình, SGK mới. Riêng với môn Toán, cần phải làm gì để triển khai thành công dạy học tích hợp, phân hóa, thưa thầy?
Nhìn qua thì có vẻ môn Toán là một trong những môn ít bị “ảnh hưởng” trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Điều này thể hiện ở chỗ môn Toán không phải tích hợp với những môn học khác về tên gọi và nội dung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc dạy học môn Toán vẫn như cũ.
Dự thảo xác định dạy và học Toán cần vận dụng một cách đa dạng các hình thức tổ chức và các phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng thực hành, ứng dụng; gắn kết kiến thức được học với thực tiễn, liên môn; chú trọng phương pháp tự học, nghiên cứu khoa học. Do đó, thực tế để đáp ứng được mục tiêu đổi mới thì việc dạy học môn Toán ở trường phổ thông phải thay đổi rất nhiều và thay đổi căn bản.
Để triển khai thành công dạy học tích hợp và phân hóa môn Toán, năng lực của người giáo viên Toán ở phổ thông đóng vai trò quyết định. Đã từ lâu, giảng dạy Toán ở phổ thông gắn với giảng dạy kĩ năng giải toán. Việc giảng dạy đó đã đóng khung môn Toán thành một ốc đảo riêng, tách biệt với các môn học khác và tách biệt với cuộc sống. Dạy học tích hợp và phân hóa sẽ là hoạt động phá vỡ sự tách biệt đó, mang môn Toán vào các môn học khác và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Người giáo viên Toán ở phổ thông phải là đầu tàu trong việc nhận thức được và thực hiện được việc phân hóa và tích hợp môn Toán. Do đó, về lâu dài, việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên Toán phổ thông là cần thiết. Trước mắt, để có thể đáp ứng được hoạt động việc dạy học phân hóa và tích hợp thì việc tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên Toán phổ thông hiện tại là rất cần thiết.
Như phần trên đã đề cập, Bộ cùng các Sở, Phòng và trường phổ thông, các trường sư phạm cần liên kết với nhau và tận dụng phát huy hiệu quả các phương tiện kĩ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để tổ chức tập huấn bồi dưỡng. Khi đó, chất lượng tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy Toán ở phổ thông sẽ đáp ứng được mục tiêu đề ra.
- Xin cảm ơn thầy!
“Việc bồi dưỡng giáo viên cần tránh tổ chức theo mô hình “kim tự tháp” như trước đây: Bộ tập huấn cho Sở, Sở tập huấn cho Phòng/trường THPT, Phòng tập huấn cho trường THCS, TH. Mô hình này tất yếu khi đến cấp trường thì chất lượng tập huấn bồi dưỡng thường có sự sai lệch lớn với mục tiêu đề ra. Bộ cùng các Sở, Phòng và trường phổ thông, các trường sư phạm cần liên kết với nhau và tận dụng phát huy hiệu quả các phương tiện kĩ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để tổ chức tập huấn bồi dưỡng”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại