Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 329
  • Tất cả: 15,401
Trang bị cho học sinh khả năng tự học
             Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT 2017, nhiều phụ huynh gấp rút tìm chỗ luyện thi trắc nghiệm cho con, một số trường THPT cũng đã bắt đầu điều chỉnh phương án dạy – học để thích ứng với cách thi mới. 

Một lần nữa, câu hỏi “học để thi hay thi để học” lại trở nên nóng hơn khi có những đổi mới trong thi cử.

Bám sát sách giáo khoa và chuẩn kiến thức, kỹ năng

Thầy Nguyễn Huy Bính – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, cho đến thời điểm này, hoạt động dạy - học của khối 12 của nhà trường vẫn diễn ra bình thường.

“Chúng tôi cũng có tìm hiểu trường này trường kia đã bắt đầu họp HĐSP để điều chỉnh phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm. Sự chuẩn bị sớm là cần thiết, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa chốt phương án thi, chưa công bố cấu trúc đề thi cũng như đề minh họa thì việc “đi tắt, đón đầu” như thế chỉ làm cho cả GV và HS thêm rối.

Dù cách thi như thế nào thì chương trình, khối lượng kiến thức cung cấp cho HS sẽ vẫn không thay đổi, chỉ là cách vận dụng các đơn vị kiến thức sẽ có sự điều chỉnh. Nói như thế nhưng cũng không phải là nhà trường không có động thái chuẩn bị gì” – thầy Bính chia sẻ - “Các tổ chuyên môn của các môn Lịch sử, Địa lý đã bắt đầu sưu tầm các đề thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhà trường cũng chủ trương sẽ dạy học theo hướng phân hóa, cùng trong một tiết dạy nhưng sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho HS đủ để thi ĐH, CĐ. Cái khó ở đây là GV sẽ xử lý thế nào trong một lớp học mà nhu cầu chọn tổ hợp môn thi của HS là đa dạng.

Chính vì vậy, BGH sẽ chọn giải pháp phân nhóm học sinh theo đúng môn tự chọn trong tổ hợp môn của các em, HS có quyền được lựa chọn GV ở lớp học ôn. Và việc này sẽ được triển khai sớm, ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi THPT 2017”.

Thầy Thái Quốc Khánh – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (H. Cam Lộ, Quảng Trị) cho rằng, với chủ trương chọn hình thức thi trắc nghiệm thay cho tự luận, kể cả với môn Toán, sẽ khiến cho HS không thể học tủ được. Theo thầy, với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng chứ không chỉ tập trung vào những vấn đề trọng tâm như trước đây.

“Chúng tôi chủ trương, trong quá trình giảng dạy, GV phải thay đổi phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực của HS trong học tập. GV cần phải rèn luyện kỹ năng tự học, kỹ năng vận dụng lý thuyết để giải các bài tập một cách nhuần nhuyễn. Sau mỗi tiết dạy, ở phần củng cố kiến thức, đều phải có những bài tập ngắn khoảng 3 - 5 phút theo hình thức trắc nghiệm để HS làm quen dần”, thầy Khánh nhấn mạnh.

Có sự nhầm lẫn giữa tổ hợp và tích hợp

Theo nhận xét của một số CBQL GD, hiện nay, trong dư luận xã hội, kể cả trong đội ngũ GV, vẫn có sự hiểu nhầm về bài thi tổ hợp. Theo dự thảo thi THPT 2017, bài thi Khoa học xã hội sẽ gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong năm 2017, bài thi KHXH và KHTN sẽ mới chỉ dừng ở mức độ ghép cơ học 3 môn thi, tức là chỉ là đề thi tổ hợp chứ chưa phải là tích hợp nên HS sẽ không gặp khó khăn gì với sự thay đổi này.

“Mục tiêu của việc xây dựng đề thi theo tổ hợp môn của Bộ GD&ĐT là phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục. Đây là một ý tưởng tốt, vừa giúp HS học đều được tất cả các môn học vừa đảm bảo chủ trương giảm tải, quá trình các môn học sẽ nhẹ nhàng hơn. Từ tổ hợp môn sẽ tiến dần tới tích hợp để HS chỉ cần nắm vững các kiến thức cốt lõi, có nền tảng để thích nghi với một xã hội có sự thay đổi nhanh chóng như xu hướng hiện nay” – thầy Nguyễn Huy Bính cho biết.

Với việc đưa môn Giáo dục công dân trở thành một môn thi trong tổ hợp môn tự chọn, thầy Thái Quốc Khánh nhận xét rằng, đây là một chủ trương rất hay. “Vài năm nay, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã đưa môn Giáo dục công dân trở thành một trong những môn thi trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. HS trường Lê Thế Hiếu cũng giành được nhiều giải ở bộ môn này, tất nhiên tính chất của mỗi kỳ thi là khác nhau nhưng GV bộ môn Giáo dục công dân hoàn toàn thích ứng và không bị động khi đây sẽ là một trong các môn của kỳ thi THPT năm tới”.

Ở một góc độ khác, thầy Nguyễn Huy Bính cho rằng “lâu nay, bản thân GV dạy môn Giáo dục công dân cũng có tâm thế rằng môn này chỉ là môn phụ. Thế nhưng, với đặc thù của môn học, Giáo dục công dân không chỉ cung cấp những kiến thức thường thức về pháp luật mà còn giáo dục, uốn nắn HS nhiều vấn đề trong cuộc sống thường nhật, từ giao tiếp, ứng xử, điều chỉnh hành vi… Vì thế, ở trường chúng tôi, GV dạy môn Giáo dục công dân thường được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Điều này có hiệu quả rõ rệt trong xây dựng nề nếp sinh hoạt, học tập”.

Với cách tiếp cận như vậy, thầy Thái Quốc Khánh mong muốn môn Giáo dục công dân không chỉ là một môn thi ở tổ hợp Khoa học xã hội mà nên có mặt ở cả hai bài thi tổ hợp thì tính giáo toàn diện sẽ cao hơn. “Dù HS chọn theo KHXH hay KHTN thì việc giáo dục nếp sống văn hóa và các giá trị nhân văn cho HS đều rất cần thiết. Và nếu mọi cấp học đều “đều tay” trong giáo dục đạo đức thì tỉ lệ học trò chưa ngoan, lệch chuẩn sẽ không cao” – thầy Khánh nhận định. 

“Cái đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ HS học được cái gì, mà quan trọng hơn cả là các em có được những kỹ năng gì, làm được gì sau việc học đó. Và để làm được điều này, HS nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học” – PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết.

Hà Nguyên

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image