Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 của Bộ GD&ĐT, môn Toán sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 50 câu hỏi trong thời gian làm bài 90 phút.
Theo ông Đỗ Văn Hùng - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Đồng Tháp) - việc thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan không phải là mới lạ đối với học sinh và giáo viên vì họ cũng đã thực hiện hình thức này khi đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ trong quá trình dạy học.
Lựa chọn hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan với môn Toán còn tùy theo mục đích, yêu cầu đánh giá và cách tổ chức kỳ thi. Việc thi bằng hình thức tự luận hay bằng hình thức trắc nghiệm khách quan đều có những ưu điểm và những hạn chế riêng.
Phân tích những ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán, ông Đỗ Văn Hùng cho biết:
Với việc thi trắc nghiệm khách quan, học sinh trình bày bài thi đơn giản hơn vì chỉ suy nghĩ, thực hiện tính toán, lựa chọn câu trả lời đúng mà không cần phải viết nhiều;
Chấm bài thi nhanh, chính xác và công bằng, khách quan vì bài được chấm thi bằng máy;
Trong thời gian thi ngắn nhưng có thể kiểm tra được nhiều kiến thức, kỹ năng cơ bản học sinh đã học và nhiều vấn đề hiểu biết khác ở diện rộng;
Có thể cho học sinh thi bằng nhiều bộ đề thi với mức độ khó tương đương (cùng dạng bài nhưng khác số) để tránh tình trạng sao chép kết quả như trong các kỳ thi vừa qua;
Thuận tiện trong việc kiểm tra học sinh về mức độ hiểu biết, kỹ năng tính toán và áp dụng trực tiếp kiến thức, kỹ năng cơ bản ở phổ thông, từ đó cũng có thể dự đoán được năng lực học tập, làm việc;
Phù hợp với mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có thể hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm những thủ thuật giải các dạng bài toán nâng cao so với chương trình học trên lớp.
Tuy nhiên, nếu thi theo hình thức trắc nghiệm, việc xây dựng các câu hỏi để làm đề thi sẽ khó hơn vì thời gian làm bài ngắn (gần 2 phút/câu). Do đó, yêu cầu các câu hỏi phải phù hợp với thời gian làm bài, trình độ của học sinh và có độ khó khác nhau để phân loại được học sinh.
Với những câu hỏi dễ, áp dụng trực tiếp kiến thức, phần lớn học sinh có thể lựa chọn đáp số. Còn với những câu hỏi đòi hỏi suy luận, học sinh phải thực hiện tính toán qua những bước trung gian mới có được kết quả, cho nên chỉ cần nhầm lẫn một chút là không có điểm cho cả câu hỏi đó. Bên cạnh đó, hình thức trắc nghiệm khó kiểm tra một số kiến thức và kỹ năng học sinh cần phải thực hiện (dạng bài toán chứng minh, bài toán phải vẽ, xác định các yếu tố của hình,…).
Theo ông Đỗ Văn Hùng, việc Bộ GD&ĐT thông báo dự định thay đổi hình thức thi môn Toán bằng trắc nghiệm khách quan ngay trong năm học này có thể gây bất ngờ với nhiều học sinh, giáo viên và với cả nhiều thành phần khác trong xã hội.
Vậy nên, trước hết Bộ GD&ĐT cần tuyên truyền cho những người công tác trong ngành Giáo dục thấu hiểu ưu điểm và hạn chế của hình thức thi môn Toán bằng trắc nghiệm khách quan; từ đó, học sinh, giáo viên thấy được thi môn Toán bằng trắc nghiệm khách quan là việc làm thông thường như họ đang thực hiện trong quá trình dạy học.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thi trắc nghiệm môn Toán, cách thi này có nhiều ưu điểm và không ảnh hưởng gì đến đánh giá học trò. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở tính khoa học của cách thi này mà ở nhận thức xã hội. Cũng giống như mô hình Trường học mới (VNEN), một mô hình rất tốt như vậy nhưng cũng đâu dễ vào cuộc" - TS Lê Thẩm Dương – Chuyên gia cố vấn Quản trị doanh nghiệp, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM