Theo GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận chỉ là phương thức đánh giá.
|
GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng |
Vấn đề quan trọng nhất ở trắc nghiệm là là khâu ra đề, phải làm sao đề thi bao phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có của mỗi môn học, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh việc học vẹt.
Thưa GS.TS, ông có nhận xét gì về chủ trương sẽ giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức cụm thi kỳ thi THPT 2017? Từ thực tế của 2 năm đảm nhiệm vai trò chủ trì cụm thi do trường ĐH chủ trì, trong đó, năm 2016, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng lần đầu tiên đảm nhận chủ trì cụm thi tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam, những điều chỉnh này có hợp lý không, thưa ông?
- Từ trước đến nay các Sở GD&ĐT đã chủ trì tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT). Tuy nhiên do kết quả các kỳ thi này có tỉ lệ thí sinh đỗ gần như 100%, nên gây ra nghi ngờ trong khâu coi thi, chấm thi làm cho các trường ĐH và CĐ không tin tưởng lắm.
Năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT đã giao cho các Sở chủ trì kỳ thi THPT quốc gia cụm địa phương, đặc biệt năm 2016 có sự giám sát của các trường ĐH, nên kết quả có chuyển biến tích cực, khá tin cậy.
Qua quá trình cộng tác với Sở GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia cụm đại học, tôi cũng nhận thấy Sở làm việc rất chuyên nghiệp. Do vậy, tôi nghĩ nếu có sự phối hợp giữa Sở và cán bộ của các trường ĐH làm giám sát, thanh tra và điều kiện tiên quyết là các môn (trừ môn Ngữ văn) đều phải thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính; thì tôi tán đồng chủ trương giao về cho các Sở chủ trì cụm thi.
Từ thực tế 2 năm đảm nhiệm chủ trì cụm thi THPT quốc gia phối hợp với Sở GD&ĐT, tôi thấy kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế.
Năm 2016 các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã chủ trì các cụm thi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng đã khá vất vả trong việc huy động số lượng lớn cán bộ di chuyển và lưu trú xa, gây phiền phức, mất thời gian công sức và kinh phí. Vì vậy việc điều chỉnh như vậy rõ ràng sẽ hợp lý và đỡ tốn kém hơn.
Dự thảo có đưa ra một điểm mới là hình thức thi trắc nghiệm sẽ áp dụng cho cả môn Toán và bài thi Khoa học xã hội - vốn từ trước đến nay đều là những môn thi tự luận. Có ý kiến cho rằng, chọn hình thức thi trắc nghiệm, sẽ không đánh giá được khả năng trình bày, diễn đạt cũng như tư duy logic của thí sinh. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?
- Cần phải thấy rằng thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận, nhưng đa số là theo trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót.
Nếu mỗi thí sinh có một mã đề riêng nữa thì càng công bằng.
Chúng ta phải hiểu rằng phương thức thi tự luận hay trắc nghiệm chỉ là phương thức đánh giá thôi, còn quan trọng là mục tiêu và kết quả các em đạt được, các kiến thức và kỹ năng các em thu nhận được trong quá trình học tập.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã nhận định chưa từng có một nghiên cứu thực chứng nào khẳng định rằng thi trắc nghiệm trong môn Toán làm hỏng tư duy Toán học của học sinh.
Nếu có một nghiên cứu như vậy, chắc hẳn các bài thi trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi như SAT, ACT, GRE, GMAT hay bài thi tuyển sinh đại học môn toán của Hàn Quốc, Thụy Điển, Israel đã không còn được các nền giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục sử dụng.
Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất ở trắc nghiệm là khâu ra đề, phải làm sao cho nó bao phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có của mỗi môn học, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt.
Ông nhận xét gì về việc chọn tổ hợp môn trong phương án thi THPT quốc gia?
- Theo dự thảo phương án thi THPT 2017, có 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Với mục tiêu chính của kỳ thi là để xét công nhận tốt nghiệp THPT, việc chọn các tổ hợp môn như dự thảo là phù hợp.
Hai tổ hợp môn này cùng với 3 môn thi bắt buộc đã bao phủ gần hết các môn học chính trong chương trình phổ thông lớp 12. Do đó trong những năm đến, theo tôi có thể yêu cầu học sinh THPT dự thi bắt buộc cả 2 tổ hợp nói trên để kiểm tra kiến thức toàn diện khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với các học sinh lớp 12 năm nay đã học theo khối để chuẩn bị cho xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017, mỗi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội có 2/3 số môn thi thuộc khối thi đại học truyền thống, do vậy các em sẽ không quá khó khăn khi làm bài thi tổng hợp.
Về mục tiêu lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, với thời lượng 90 phút cho bài thi tổ hợp 3 môn, mỗi môn 20 câu hỏi thi việc phân loại thí sinh khi dùng kết quả bài thi này để xét tuyển đại học sẽ khó khăn hơn.
Phương án lấy điểm từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là một giải pháp cho các trường chọn được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, do thời lượng mỗi môn chỉ 30 phút nên để phân loại, đánh giá kiến thức của thí sinh để xét tuyển đại học là chưa đủ. Do vây ra đề thi là khâu quan trọng nhất để đạt được 2 mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia này.
Với phương án xét tuyển như trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, xin ông cho biết, ĐH Đà Nẵng có điều chỉnh gì trong phương án tuyển sinh ĐH, CĐ? Ví dụ như tổ chức thêm một kỳ thi đánh giá năng lực?
- Trừ môn Ngữ văn, các môn thi khác đều được thực hiện bằng phương thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề riêng, chấm thi bằng máy quét: đảm bảo trung thực, khách quan, đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có tính tổng hợp cao, nên sẽ giúp cho các trường có thể chọn được thí sinh phù hợp; các trường cử cán bộ, giảng viên về địa phương tham gia hỗ trợ và giám sát cả công tác coi thi và chấm thi.
Với điều kiện như vậy, trước mắt trong năm 2017, ĐH Đà Nẵng hoàn toàn yên tâm sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia để tuyển sinh, không cần tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực thêm nào nữa.
Đối với một số ngành đặc thù, như Kiến trúc, Mầm non, Nhạc họa…, ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức thi môn năng khiếu theo qui định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp. Có thời gian, trong những năm sau chúng tôi sẽ bàn kỹ để có phương án tuyển sinh hợp lý nhất.