GD&TĐ - Nắm bản chất kiến thức, không học “mẹo”, tìm may mắn - đó là một trong rất nhiều lưu ý của ông Nguyễn Bá Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận - tới học sinh, giáo viên trước kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Phải dạy học chắc kiến thức từ đầu cấp
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh sẽ làm các bài thi trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Thay đổi này ảnh hưởng đến việc chỉ đạo tổ chức giảng dạy trong nhà trường của Sở GD&ĐT Ninh Thuận như thế nào?
Về tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, Sở GD&ĐT Ninh Thuận đã yêu cầu các đơn vị chỉ đạo giáo viên bộ môn điều chỉnh phương pháp dạy học để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của kỳ thi, cụ thể như sau:
Các nhà trường tổ chức dạy học thật kỹ tất cả các môn học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, thể hiện trong sách giáo khoa hiện hành theo phương châm kiến thức chắc, rộng, nắm vững khái niệm, khả năng phán đoán tốt, kỹ năng tính toán nhanh và sử dụng thành thạo máy tính cầm tay, Át lát Địa lý; đồng thời tăng cường luyện tập cho học sinh cách làm bài kiểm tra, bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Phải dạy học chắc kiến thức cho học sinh ngay từ đầu cấp học và ở tất cả các lớp, không bỏ sót hoặc lướt qua một kiến thức nào. Kiến thức trong đề thi được trải đều khắp chương trình, do đó yêu cầu giáo viên phải điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp, không quá nhấn mạnh và tập trung vào một số nội dung trọng tâm như trước đây nữa.
Điều chỉnh phương pháp học tập của học sinh theo hướng: Học sinh phải học rộng hơn, chi tiết hơn, hiểu chính xác và nắm vững khái niệm. Đặc biệt, phải tập giải nhanh, nhiều câu hỏi hơn khi kiểm tra, tránh các thao tác, kỹ năng không cần thiết để dành nhiều thời gian cho làm bài.
Giáo viên không những chỉ dạy cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng có trong chương trình (qua sách giáo khoa) mà còn phải biết khơi mạch suy nghĩ và trau dồi kiên thức đời sống cho học sinh bằng cách hướng dẫn học sinh tìm tòi, đọc sách, báo và tổ chức nhiều hoạt động để các em trải nghiệm.
Sở GD&ĐT cũng đã định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia hằng năm. Theo đó, căn cứ vào phương án tổ chức thi THPT quốc gia từng năm của Bộ GD&ĐT và định hướng lựa chọn môn thi của học sinh, nhà trường cần lập kế hoạch tổ chức ôn tập hằng năm cho học sinh sao cho hiệu quả nhất.
Cụ thể: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài ở lớp 12 và bổ sung kiến thức phục vụ cho làm bài thi THPT.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài ở lớp 12 và lớp 11 và bổ sung kiến thức phục vụ cho làm bài thi THPT.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài ở toàn cấp học (lớp 10, 11, 12) và bổ sung kiến thức phục vụ cho làm bài thi THPT.
Ông Nguyễn Bá Ninh
Tăng cường rèn học sinh làm bài trắc nghiệm
- Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, nhiều địa phương đã có những đổi mới về cách kiểm tra, đánh giá. Trong đó có việc triển khai cho học sinh THPT làm các bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Tại Ninh Thuận thì sao, thưa ông?
Tại Ninh Thuận, Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường, tổ chuyên môn chỉ đạo giáo viên căn cứ vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo Công văn số 270/SGDĐT-GDTrH của Sở GD&ĐT về “Hướng dẫn thực hiện biên soạn đề kiểm tra cấp trung học'" theo hướng dẫn tại Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc uHướng dẫn biên soạn đề kiểm tra”.
Các trường cần tăng cường rèn luyện học sinh làm bài tập trắc nghiệm ở những môn thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia. Tổ chức cho học sinh lớp 12 kiểm tra 1 tiết trở lên và thi thử nhiều lần trong năm học. Việc tổ chức phải nghiêm túc như kỳ thi THPT quốc gia để học sinh làm quen với cách tổ chức thi và hình thức thi theo đề trắc nghiệm của những môn thi trắc nghiệm lần đầu tiên.
Ninh Thuận sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 lớp 12 năm học 2016-2017 theo đề chung của Sở GD&ĐT 9 môn (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) vào tháng 12/2016, theo lịch thi và hình thức tổ chức như thi THPT quốc gia.
4 giải pháp quan trọng
- Ngoài đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, Sở GD&ĐT Ninh Thuận có những giải pháp gì để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017?
Giải pháp đầu tiên là điều chỉnh chương trình, kế hoạch dạy học bộ môn. Về giải pháp này, trên cơ sở nội dung, chương trình hiện hành, các tổ chuyên môn cần tiếp tục điều chỉnh lại chương trình, tái cấu trúc lại tài liệu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh là điều kiện cốt lõi.
Trong đó, cần tập trung xây dựng các chuyên đề dạy học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, liên kết được các bài dạy đơn lẻ thành từng mảng vấn đề (chủ đề) mang tính logic, hệ thống phù hợp với đối tượng học sinh.
Đối với các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Toán lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm nên cần khẩn trương điều chỉnh kế hoạch dạy học bộ môn và tài liệu học tập tương thích với yêu cầu đổi mới của kỳ thi; bỏ các kiến thức hàn lâm, thay vào đó là phần thực hành, luyện tập, các tình huống thực tiễn để học sinh vận dụng.
Trong điều kiện chương trình, tài liệu dạy học bộ môn không thay đổi, để đáp ứng với mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh thì mỗi giáo viên phải điều chỉnh lại chương trình và thiết kế lại các chương, mục kiến thức trong tài liệu học tập của học sinh (SGK hiện hành) kết hợp với các tài liệu liên quan khác để xây dựng nguồn học liệu mới cho học sinh, phù hợp với năng lực học sinh và yêu cầu đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá và thi hiện nay.
Giải pháp thứ 2 là đổi mới phưong pháp dạy - học theo hướng tích hợp. Nhà trường, tổ chuyên môn cần chỉ đạo ngay cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc dạy tự học, dạy học phân hóa, nghĩa là dạy học theo năng lực học sinh, biến những kiến thức trong sách vở thành những năng lực của cá nhân.
Để làm tốt nhiệm vụ này này, yêu cầu mồi giáo viên phải thiết kế được các chuyên đề hoặc chủ đề dạy học hợp lý, sáng tạo theo nhóm bài hay nhóm vấn đề vừa đảm bảo tính logic trong tư duy tiếp nhận vừa tiết kiệm thời lượng dạy lý thuyết để tăng cường thêm các tiết thực hành, luyện tập cho các em. Tập trung vào các phương pháp dạy học tích cực, như dạy học theo dự án, dạy học theo chủ đề theo hướng dạy tích hợp cả kiến thức và kỳ năng để phát triển năng lực học sinh.
Giải pháp 3 là xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra. Mỗi nhà trường, trung tâm và tổ chuyên môn phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và đề kiểm tra có chất lượng ở tất cả các môn. Mỗi giáo viên phải có trách nhiệm xây dựng các câu hỏi, từng tổ bộ môn sẽ chọn lựa ra những câu hỏi chất lượng nhất, phù hợp với cách thức ra đề của Bộ GD&ĐT (theo đề minh họa) để xây dựng “ngân hàng đề mini” của trường phục vụ cho các kỳ kiểm tra định kỳ, nhằm giúp học sinh làm quen với cách thức thi mới.
Tất cả giáo viên tập trung nghiên cứu kỹ cách thức ra đề, cách tổ chức thi, tổ chuyên môn góp ý và đề xuất các giải pháp cho việc tổ chức ôn tập cho học sinh ngay trong quá trình dạy học.
Việc thiết kế và xây dựng được ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học của giáo viên, là một trong những điều kiện cơ bản để điều chỉnh nội dung dạy học và góp phần đối mới phương pháp dạy học theo yêu cầu đổi mới.
Giải pháp thứ 4 là làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên bộ môn cần hướng nghiệp và tư vấn cho học sinh trong quá trình dạy học: học sinh phải yêu thích môn học của mình, học sinh có năng lực với môn học, đây là cơ sở để học sinh định hướng lựa chọn bài thi theo phương án thi mới.
Đồng thời với dạy cho sinh phương pháp học tập, giáo viên cần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh dựa trên năng lực, sở trường của từng em để từ đó định hướng cho các em lựa chọn tổ hợp môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia đạt hiệu quả nhất.
Lưu ý quan trọng khi ôn tập, hướng dẫn làm bài thi
- Cuối cùng, ông có lưu ý gì với các trường, giáo viên trong việc ôn tập và hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra, bài thi?
Nhà trường, giáo viên cần bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để đưa ra các giải pháp dạy học, ôn tập hiệu quả nhất với học sinh.
Cho học sinh làm quen với phương thức thi mới là hình thức thi trắc nghiệm ở các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Toán. Phổ biến, hướng dẫn cho học sinh kỹ năng làm bài kiểm tra, bài thi và đảm bảo đủ các kỹ năng khi dự thi THPT quốc gia.
Tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra các giải pháp giảng dạy, giải pháp hướng dẫn học sinh học và ôn tập phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh.
Thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của từng em, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện cho việc học, ôn tập có hiệu quả.
Hướng dẫn kỹ cho học sinh làm bài kiểm tra, bài thi theo đề trắc nghiệm: Nắm bản chất kiến thức, không học “mẹo” và tìm may mắn; phải rèn luyện, đọc nhiều, viết nhiều, nghe nhiều và hiểu đúng.
Ngoài đặc điểm chung của cách làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên cần phải hướng dẫn cho học sinh hiểu và biết một vài chiến lược khi làm bài kiếm tra dạng trắc nghiệm theo đặc điểm riêng của từng môn.
- Xin cảm ơn ông!
Sở GD&ĐT Ninh Thuận yêu cầu các trường THPT và các trung tâm (gọi chung là các đơn vị) làm tốt công các truyền thông; tiếp tục phổ biến, quán triệt đầy đủ và cụ thể phương án thi THPT quốc gia năm 2017 và những năm tiếp theo cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch của đơn vị, của tổ chuyên môn để định hướng việc dạy - học và kiểm tra, đánh giá học sinh cho phù hợp từng đối tượng học sinh.