Nếu biết cách khai thác, mạng xã hội có thể giúp giáo viên rất nhiều trong việc naagn cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, cách này có thể trở thành ”con dao 2 lưỡi”.
Sử dụng mạng xã hội để tăng tinh thần đoàn kết trong lớp
Một số thông báo quan trọng liên quan đến lịch học, thời khóa biểu,... chưa thông báo được, hoặc việc đổi đột xuất, giáo viên có thể thông báo qua mạng xã hội thông qua tổ chức nhóm. Việc sử dụng nhóm trong mạng xã hội vô cùng tiện ích khi các thông tin được thay đổi một cách bất ngờ, hoặc dành cho một số học sinh vì ốm hoặc có lý do không đi học thì vẫn cập nhật được các thông báo về hoạt động học tập.
Qua mạng xã hội, học sinh cũng rất dễ dàng chia sẻ các thông tin liên quan đến học tập và các bí quyết để học tập tốt.
Lưu ý, không phải tất cả học sinh đều sử dụng mạng xã hội, nên những nội dung thông báo quan trọng vẫn cần phải phổ biến trước tập thể lớp, tránh trường hợp quá lạm dụng mạng xã hội mà quên mất hoạt động thực tế bên ngoài vẫn là số một. Mạng xã hội chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi.
Sử dụng mạng xã hội giúp học sinh mở rộng thế giới quan
Giáo viên kết bạn với học sinh quan mạng xã hội giúp nắm bắt kịp thời suy nghĩ, tư tưởng của các em; kịp thời uốn nắn và nhắc nhở, định hướng học sinh biết đúng, sai, nên, không nên, từ đó học sinh tiến bộ hơn trong tư tưởng và nhận thức. Tránh trường hợp hành động và lời nói trên mạng của học sinh thiếu sự kiểm soát, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Trường hợp học sinh gặp khó khăn hay trở ngại trong cuộc sống, giáo viên có thể kịp thời động viên, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Những động viên khích lệ, chia sẻ có chọn lọc của giáo viên qua mạng xã hội có thể giúp ích rất nhiều cho học sinh. Ví dụ, các video về giáo dục nhân cách giúp học sinh thấy được nên cư xử thế nào cho đúng với cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay cộng đồng; video hướng dẫn nấu ăn giúp học sinh nữ tập nữ công gia chánh, dần dần rèn luyện cho bản thân những kỹ năng sống; nội dung về thể thao, xe, siêu xe có thể giúp các học sinh nam hứng thú, từ đó vui vẻ, yêu đời hơn, tránh căng thẳng và nhàm chán trong cuộc sống...
Những vấn đề cần lưu ý
Để nâng cao hiệu quả của dạy học khi sử dụng mạng xã hội, giáo viên cần lưu ý: Việc đăng tải các thông tin cần có sựu chọn lọc kỹ càng, nên đăng những thông tin chính xác, có nguồn dẫn đáng tin cậy.
Mỗi ngày chỉ nên đăng tải số lượng vừa phải, nội dung tóm tắt, ngắn gọn nhưng đầy đủ tránh quá nặng nề dẫn đến sự ngại ngùng hoặc không muốn khi tiếp cận của học sinh.
Cần đa dạng hóa các hình thức thông báo hay triển khai nhiệm vụ học tập để tránh sự nhàm chán, tạo sự hứng thú từ học sinh.
Nên để học sinh cùng tham gia hoạt động bằng cách giao nhiệm vụ, hoặc động viên, kêu gọi từ các học sinh để học sinh thấy được những lợi ích to lớn của mạng xã hội vào phục vụ học tập, đồng thời các em có thêm trách nhiệm và lòng say mê. Cũng qua đó, học sinh có thể chứng tỏ khả năng của mình.
Hoàn toàn có thể làm mới nội dung hay tăng cường tính đoàn kết bằng cách chia sẻ các hoạt động của lớp, nhóm, qua đó lưu giữ các kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò.
Thận trọng khi sử dụng mạng xã hội trong dạy học
Việc sử dụng mạng xã hội rất dễ gây ra hội chứng nghiện mạng xã hội và sống ảo. Vậy nên cần thận trong khi sử dụng, cụ thể như sau:
Không quá lạm dụng mạng xã hội, đó chỉ là một công cụ hỗ trợ cho các hoạt động ở nhà của học sinh. Chủ yếu các hoạt động học tập phải diễn ra trên lớp. Các hoạt động tập thể phải diễn ra nhiều, vui vẻ và thiết thực tránh sự sống ảo hay lạm dụng mạng xã hội của học sinh.
Nên có hẳn một buổi trao đổi về những hữu ích hay mặt xấu của mạng xã hội khi sử dụng không đúng cách.
Nội dung đăng tải hằng ngày không quá nhiều, qui định giờ giấc hoạt động của các nhóm. Ngôn ngữ sử dụng một cách có văn hóa, văn minh, lịch sự, tránh quá suồng sã hay cợt nhả quá trớn của học sinh.
Trao đổi, thống nhất với phụ huynh để giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội của học sinh, chỉ sử dụng mỗi ngày một khoảng thời gian nhỏ xác định.
Sự tham gia của giáo viên dưới hình thức theo dõi kín đáo, chỉ lên tiếng khi những sự việc có dấu hiệu đi xa và có khả năng gây nên hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên khi giải quyết nên nhẹ nhàng phân tích cho học sinh thấy rõ những mặt tốt và xấu, nên và không nên một cách kín đáo và tế nhị. Tránh trường hợp làm cho học sinh thấy tù túng và ngột ngạt khi bị theo dõi, giám sát quá nhiều gây mất tự do, dẫn đến thiếu hợp tác và phản tác dụng.