Phương pháp này có tác dụng trực quan hoá rõ rệt, giúp người học đỡ nhàm chán, ghi nhớ lâu kiến thức. Tuy nhiên, thực tiễn dạy học cho thấy nhiều giáo viên sẽ lúng túng, dẫn đến chất lượng bài giảng không cao nếu không đảm bảo các yêu cầu sau:
Một là, cần đảm bảo thao tác trên máy tính, máy chiếu linh hoạt và chính xác; nắm vững việc sử dụng các lệnh của chương trình Microsot Powerpoint; không nên để chế độ trình diễn tự động vì sẽ khó tạo nên sự ăn khớp giữa lời giảng của giáo viên và tốc độ chạy của hiệu ứng.
Hai là, hình thức bài soạn cần đơn giản và rõ ràng, font chữ nên là Times New Roman hoặc Arial, cỡ chữ tối thiểu là 32 để đảm bảo cho mọi người trong lớp đều nhìn thấy; màn hình trình diễn phải đủ lớn để đảm bảo cho mọi người nhìn được rõ.
Ba là, bố cục bài giảng phải đảm bảo logic chặt chẽ. Có thể sử dụng các màu sắc khác nhau để thể hiện sự khác nhau giữa các phần hoặc các ý cần nhấn mạnh, tuy nhiên trong một slide không nên sử dụng quá nhiều màu sắc; mỗi slide chỉ nên thể hiện một ý tưởng hoặc những ý cơ bản của một biểu mục.
Bốn là, đảm bảo tính chính xác về nội dung trong trình bày; tranh, nhạc minh họa phải phù hợp với nội dung.
Cuối cùng cần lưu ý rằng máy chiếu chỉ là phương tiện hỗ trợ, không thể thay thế tuyệt đối cho phương pháp giảng dạy truyền thống hay hiện đại. Khi giảng dạy, giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp để đảm bảo hiệu quả truyền đạt cao hơn.