Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 247
  • Tất cả: 15,319
Sử dụng hệ thống bài tập giúp HS hoàn thiện kiến thức, kĩ năng Hóa học

Sử dụng hệ thống bài tập giúp HS hoàn thiện kiến thức, kĩ năng Hóa học

               Với môn Hóa học, một trong những hoạt động chủ yếu để phát triển tư duy cho học sinh là giải bài tập. Để hoạt động này phát huy hiệu quả, giáo viên cần ý thức mục đích của giải bài tập Hóa học không chỉ là tìm ra đáp số đúng mà còn là phương tiện giúp học sinh rèn luyện, phát triển tư duy cho học sinh.
 

Vì sao học sinh “sợ” bài tập môn Hóa

Từ thực tế giảng dạy, cô Ninh Thị Thuận - Giáo viên Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định) - cho biết: Nhiều học sinh không thích giờ bài tập Hóa học, các em chưa chuẩn bị kĩ cho tiết bài tập; chưa có thói quen tìm các bài tập tương tự để giải ở nhà…

Nguyên nhân chủ yếu do thời gian dành để theo dõi, ghi chép các bài tập ở lớp chưa đủ, các bài tập xếp lộn xộn, học sinh không biết nhận dạng, chưa nắm được phương pháp giải từng dạng, không giải được bài tập dẫn đến chán nản.

Việc tự học để hoàn thiện kĩ năng, kĩ xảo của học sinh chủ yếu là học thuộc lại bài trên lớp, nên kiến thức tích lũy được là hạn chế, kém bền và thụ động, thiếu tự tin trong học tập; đồng thời học sinh chưa có phương pháp học tốt nên mất nhiều thời gian hoặc học qua loa nên kết quả học tập đạt được không như mong muốn.

Theo cô Ninh Thị Thuận, hiện nay có rất nhiều loại sách, tài liệu tham khảo, cùng với sự phổ biến rộng rãi của Internet đã tạo ra cho học sinh nguồn cung cấp tài liệu khổng lồ. Nhưng điều đó cũng đồng thời gây khó khăn lớn cho các em trong việc phải tìm, lựa chọn, phân loại sách để đọc, để nghiên cứu.

“Vấn đề là các em cần tự học - tự đọc như thế nào với các tài liệu đã có để đạt được hiệu quả học tập cao. Đó chính là điểm yếu của đa số học sinh trong học tập, tự học để hoàn thiện kiến thức, kĩ năng, cũng là vấn đề mà giáo viên cần quan tâm để định hướng cách dạy, cách học ở các trường THPT. Học sinh rất cần nhận được sự giúp đỡ của giáo viên để trả lời các câu hỏi: Học cái gì, học như thế nào, làm thế nào để đạt được kiến thức mình muốn có trước khối lượng kiến thức rất lớn, nhiều nguồn thông tin.

Học sinh mong muốn giáo viên soạn tài liệu hướng dẫn cũng như tổ chức, hướng dẫn cụ thể hơn cho việc học tập, giúp học sinh từng bước nhận dạng, giải kỹ bài mẫu cho từng dạng và cho các bài tập tương tự để các em giải thành thạo một dạng bài tập. Như vậy, giáo viên cần có tài liệu, văn bản giúp cho học sinh cách thực hiện để lĩnh hội kiến thức cho mình” - Cô Ninh Thị Thuận chia sẻ.

Giải pháp từ việc sử dụng hệ thống bài tập

Việc dạy học không thể thiếu bài tập, sử dụng bài tập là một biện pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, cô Ninh Thị Thuận lưu ý, không phải một bài tập Hóa học hay thì luôn có tác dụng tích cực; vấn đề phụ thuộc chủ yếu là người sử dụng nó.

Do đó, điều quan trọng là trả lời được câu hỏi: Làm thế nào giao bài tập đúng đối tượng, khai thác triệt để mọi khía cạnh của bài tập ra sao để học sinh tự tìm ra cách giải…

Hướng dẫn học sinh sử dụng hệ thống bài tập để hoàn thiện kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, cô Ninh Thị Thuận cho hay: Các bài tập được chia thành từng dạng.

Nếu gặp khó khăn khi giải bài tập ở từng dạng cụ thể, học sinh cần đọc kỹ phần phương pháp, nắm vững kiến thức có liên quan và phương pháp giải, hiểu rõ các bài tập mẫu và sau đó mới tiến hành giải các bài tập tương tự.

Học sinh có thể dò đáp số để kiểm tra mình làm đúng hay sai. Dạng bài tập nào bản thân chưa vững thì dành nhiều thời gian hơn cho dạng bài tập đó.

Trong mỗi dạng, các bài tập được sắp xếp từ dễ đến khó. Nếu thấy câu hỏi tương đối dễ, chỉ cần nhẩm nhanh và kiểm tra đáp số. Học sinh nên tập trung vào các bài vừa sức đối với bản thân, sau đó nâng dần.

Nếu chưa tự giải được các bài toán khó cũng không nên quá lo lắng, có thể chia nhỏ bài toán, suy nghĩ từng phần và nhớ chú ý vào các dữ kiện cốt lõi.

Nếu vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết có thể trao đổi với bạn bè, thầy cô. Những học sinh khá và trung bình nếu đã cố gắng hết sức vẫn không giải quyết được một số bài tập cuối ở mỗi dạng, đặc biệt là các bài có dấu (*) cũng không nên lo ngại; vấn đề cần quan tâm là học sinh có tiến bộ hơn trước không, giải quyết trôi chảy được nhiều bài tập hơn trước không.

Sau khi làm bài tập phần tự luận, cô Ninh Thị Thuận cho rằng, học sinh cần bắt tay vào bài tập trắc nghiệm khách quan. Đây là phần bài tập để học sinh tự tìm phương pháp giải; giúp học sinh kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập và củng cố kiến thức đã học ở từng bài.

HS không thể bỏ qua phần bài tập tổng hợp và nên làm bài tập tổng hợp song song. Ví dụ, học xong dẫn xuất halogen của hiđrocacbon và ancol thì chọn bài tập tổng hợp liên quan đến 2 phần này để giải; học xong dẫn xuất halogen của hiđrocacbon, ancol và phenol thì chọn bài tập tổng hợp liên quan đến 3 phần này để giải. Như vậy, sau khi học xong axit cacboxylic thì cũng có nghĩa là các em đã giải quyết xong toàn bộ bài tập.

“Bài tập tổng hợp không chỉ giúp học sinh kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập và củng cố kiến thức đã học ở các phần mà còn giúp học sinh tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức.

Ngoài ra, bài tập tổng hợp còn có thêm phần giải thích, đố vui giúp học sinh ôn tập, khắc sâu kiến thức đã học, tìm hiểu một số kiến thức Hóa học liên quan cuộc sống và thư giãn đôi chút với các câu thơ vui tươi, dí dỏm” - cô Ninh Thị Thuận chia sẻ thêm.

Lưu ý trong sưu tầm và biên soạn hệ thống bài tập Hóa học


- Nội dung kiến thức phải phủ kín chương trình.

- Khắc sâu trọng tâm, nghĩa là có dày có mỏng, có đậm có nhạt (phần kiến thức trọng tâm hơn thì hỏi nhiều hơn và ngược lại).

- Số lượng phải phù hợp, nếu nhiều quá học sinh không giải hết; ít quá lại không đủ để hỗ trợ học sinh học tốt.

Hải Bình

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image