GD&TĐ - Nhận định về đề thi minh họa môn Tiếng Anh (kỳ thi THPT quốc gia 2017), thạc sỹ Phạm Thu Phương - Giáo viên môn Tiếng Anh Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - đồng thời gợi ý định hướng ôn tập môn học này trong nhà trường.
Không có câu hỏi đánh đố
Cấu trúc đề thi minh họa môn Tiếng Anh Bộ GD&ĐT mới công bố không khác nhiều so với các đề năm trước (phần ngữ pháp từ vựng và bài đọc). Phần viết lại câu được chuyển sang trắc nghiệm
Đề có tính phân loại học sinh cao (nằm ở hai bài đọc cuối và một số câu ngữ pháp, từ vựng); đồng thời cũng bám sát theo sách giáo khoa để học sinh trung bình có thể làm được bài. Không có câu đánh đố học sinh trong đề thi minh họa.
Học sinh cần bổ sung thêm kiến thức nâng cao để đạt điểm tốt
Với đề thi minh họa môn Tiếng Anh Bộ GD&ĐT đã công bố, thạc sỹ Phạm Thu Phương cho rằng, nhà trường cần hệ thống bài tập được soạn để phân loại học sinh có mục đích thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Các thầy cô cũng cần bám sát từ vựng và ngữ pháp sách giáo khoa lớp 12 để học sinh trung bình, những học sinh không thi khối A1 và khối D vẫn nắm chắc được kiến thức.
Bên cạnh việc biên soạn các đề luyện soạn bám sát với dạng đề thi minh họa, nên thực hiện kiểm tra thường xuyên (15 phút) sau mỗi phần ngữ pháp và từ vựng sách giáo khoa để củng cố bài.
Với học sinh thi khối D và A1, thạc sỹ Phạm Thu Phương lưu ý: Ngoài việc ôn tập tất cả những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các em cần phải học thêm kiến thức nâng cao, những mẫu câu phức tạp, những dạng câu hỗn hợp, cụm động từ, trường hợp đặc biệt của các dạng ngữ pháp cơ bản, cũng như các dạng câu đảo ngữ.
Với giáo viên, đề luyện tập dành cho học sinh khối D và A1 cần tăng cường tự vựng, cấu trúc ngữ pháp khó và bài đọc; có bài kiểm tra progress test hàng tháng theo mẫu đề thi chuẩn để đánh giá toàn diện học sinh.