Thực hiện đổi mới dạy học các môn khoa học tự nhiên theo hướng phát triển năng lực, năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Bến Tre đã hướng dẫn các trường thực hiện cụ thể, từ thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học đến tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá và nâng cao chất lượng hoạt động tổ bộ môn.
Dành nhiều thời gian cho thí nghiệm, thực hành
Chia sẻ về chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - cho biết: Với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cấp THCS, THPT năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT yêu cầu kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh của mỗi trường phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh.
Khi xây dựng kế hoạch dạy học cần phải dành thời gian cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra định kỳ, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Mỗi học kỳ, một khối lớp xây dựng ít nhất một chuyên đề dạy học định hướng phát triển năng lực của học sinh theo nội dung đã được tập huấn; xây dựng và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn ôn tập, luyện tập, tự học, nhất là đối với cuối cấp.
Riêng Trường THPT chuyên Bến Tre cần xây dựng phân phối chương trình đủ các chuyên đề theo quy định tại Công văn số 10803/BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT.
Đảm bảo cân đối giữa truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, năm học này, các trường phổ thông trên địa bàn Bến Tre tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo hướng dạy học phân hóa, phát huy tính tích cực, tạo hứng thú trong học tập.
Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, tăng cường sử dụng phương pháp thực nghiệm - thực hành trong giảng dạy, đảm bảo cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các đối tương học sinh, vận dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học tích cực, hiệu quả trong một bài dạy hoặc một chủ đề dạy học. Nghiêm túc thực hiện việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho các bài kiểm tra định kỳ và được thống nhất thực hiện ở tổ chuyên môn trường. Nội dung kiểm tra đánh giá cần dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, tăng cường kiểm tra kiến thức ở các mức độ hiểu và vận dụng kiến thức.
“Căn cứ vào khung phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, để có sự thống nhất trong toàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã yêu cầu cụ thể nội dung kiểm tra (áp dụng cho lớp 12) ở mỗi kì.
Theo đó, trong học kì I, môn Vật lý nội dung đến hết bài “Truyền tải điện năng - Máy biến áp”, môn Hóa học đến hết bài “Điều chế kim loại và sự ăn mòn kim loại”, môn Sinh học đến hết bài 22 “Bảo vệ vốn gen của loài người và một số vấn đề xã hội của di truyền học”.
Học kì II, môn Vật lí đến hết bài “Phản ứng hạt nhân”; môn Hóa học đến hết bài “Tính chất hóa học của crom, đồng và hợp chất của chúng”; môn Sinh học đến hết bài “Dòng năng lượng trong hệ thống sinh thái”.
Về hình thức kiểm tra, khối 10 và khối 11 sẽ phối hợp kiểm tra trắc nghiệm (30% tổng điểm của bài kiểm tra) và kiểm tra tự luận (70% tổng điểm của bài kiểm tra). Khối 12 tiếp tục bám sát hình thức kiểm tra theo hướng đề thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT - ông Nguyễn Văn Huấn cho hay.
Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, Sở GD&ĐT Bến Tre chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà và nhấn mạnh đây là một khâu quan trọng trong tiến trình dạy học. Nhiệm vụ giao cho học sinh càng rõ ràng, cụ thể càng tốt, là một trong những tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nội dung khai thác thí nghiệm, thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Tăng cường các câu hỏi, bài tập theo định hướng phát triển năng lực và đăng tải trên website của các trường THCS, THPT và các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để cho giáo viên và học sinh tham khảo.
Riêng Trường THPT chuyên Bến Tre, các lớp học chương trình chuyên, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra định kì và kiểm tra học kì cho phù hợp với đặc thù của từng bộ môn và chương trình giảng dạy.
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ bộ môn
Việc nâng cao chất lượng hoạt động tổ bộ môn là một giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học Vật lý, Hóa học và Sinh học trong các trường phổ thông của Bến Tre năm học này.
Với quan điểm trên, theo ông Nguyễn Văn Huấn, Sở GD&ĐT yêu cầu tổ/nhóm chuyên môn triển khai thực hiện tốt nội dung tập huấn đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục ở trường THPT.
Tổ chức thảo luận, xây dựng các tiêu chí đánh giá kế hoạch dạy học, đánh giá giờ dạy theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá (Sở GD&ĐT đã triển khai trong năm học 2015 - 2016), thống nhất tổ chức thực hiện trong tổ chuyên môn để giáo viên vận dụng phù hợp với từng lớp, từng môn học.
Chú trọng tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hướng tới việc hình thành khả năng tự bồi dưỡng, đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.
Nâng chất lượng hoạt động dự giờ thăm lớp, trao đổi, rút kinh nghiệm tiết dạy; tăng cường trao đổi chuyên môn theo các chuyên đề đáp ứng thiết thực cho yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của bộ môn như:
Tránh việc lạm dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để “trình diễn bài giảng”; dạy học tích hợp; nghiên cứu khoa học…; tham gia cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn theo cụm trường hoặc liên trường.
“Chúng tôi cũng đề nghị các trường cần đẩy mạnh viết sáng kiến kinh nghiệm, hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ/nhóm chuyên môn thông qua dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các chủ đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học” - Ông Nguyễn Văn Huấn cho biết thêm.