Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 36
  • Trong tuần: 187
  • Tất cả: 15,259
Bồi đắp năng lực cảm thụ cho học sinh giỏi Văn

Thầy Trần Chinh Dương - Giáo viên trường THPT (Điện Biên) - cho rằng: Ôn luyện đội tuyển HSG Văn, giáo viên phải tìm hình thức rèn luyện phù hợp để bồi đắp, làm dày khả năng cảm thụ, giúp học sinh có cách thể hiện phù hợp trong bài viết của mình.

Một số nội dung bồi dưỡng cần tập như như sau: Hướng dẫn học sinh lựa chọn nội dung cảm thụ (đối với tác phẩm nằm trong chương trình và tác phẩm nằm ngoài chương trình phổ thông); hướng dẫn học sinh các nguyên tắc cảm thụ; hướng dẫn học sinh viết lời bình.

Lựa chọn nội dung cảm thụ

Đối với các tác phẩm nằm trong chương trình Ngữ văn THPT, theo thầy Trần Chinh Dương, đây là những nội dung học sinh trong đội tuyển HSG giỏi đã được trang bị kiến thức nền từ trước khi tham gia ôn luyện đội tuyển chính thức.

 Để chọn được nội dung cảm thụ hay, học sinh trước hết phải có nền kiến thức tốt, nhưng quan trọng hơn là các em phải đọc kĩ tác phẩm, học cách nuôi dưỡng cho mình những ấn tượng về tác phẩm.
Thầy Trần Chinh Dương

Khi học sinh đã có kiến thức nền, giáo viên cần làm mềm hóa và phong phú hóa các nội dung cảm thụ, theo cách: Cho học sinh tự do lựa chọn các nội dung cảm thụ, bởi mỗi học sinh sẽ có hứng thú riêng, trực giác riêng, trường thẩm mỹ riêng.

Thêm nữa, với học sinh phổ thông, nếu tham lam, ôm đồm để yêu cầu học sinh với bất kì tác phẩm nào cũng cảm thụ một cách toàn vẹn về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, có thể các em sẽ được về kiến thức nhưng sẽ mất đi năng lực đào sâu vấn đề.

Vì thế, nội dung cảm thụ học sinh lựa chọn có khi chỉ cần là một yếu tố nhỏ, một vấn đề của tác phẩm, từ đó các em đi khơi sâu, làm kĩ.

Chẳng hạn, với “Tây Tiến” của Quang Dũng, chỉ cần chọn một số hình ảnh và ngôn ngữ đặc sắc, học sinh đã có một nội dung cảm thụ hay. Chẳng hạn, cảm nhận về các từ “mùa em”, “nhớ chơi vơi”, “hoa về trong đêm hơi”, “mưa xa khơi”…

Đối với các tác phẩm nằm ngoài chương trình Ngữ văn THPT, thầy Dương lưu ý, giáo viên chỉ trang bị kiến thức nền là chưa đủ, mà những nội dung mở rộng ngoài nền rất được chú trọng, trong đó có nội dung mở rộng liên quan đến cảm thụ các tác phẩm mới.

Cảm thụ giá trị của các tác phẩm mới nên được thực hiện sau khi học sinh đã có đủ nền. Đây là khâu thực hiện sau, đến sau, nhưng lại vô cùng quan trọng vì chính ở đây học sinh sẽ thể hiện được năng lực thực sự của mình, giáo viên có cơ sở chính xác để kiểm chứng chất lượng của từng cá nhân trong đội tuyển.

Về tính mới của tác phẩm được lựa chọn để cảm thụ, cũng cần phân biệt hai vùng tác phẩm sau đây.

Thứ nhất, giáo viên chọn những tác phẩm nằm ngoài chương trình THPT, là những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả tiêu biểu đã được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn THPT.

Chẳng hạn, khi học sinh đã đọc bài thơ mới Vội vàng và có những hiểu biết căn bản về Xuân Diệu, giáo viên chọn thêm các tác phẩm khác như: Nguyệt cầm, Thanh niên, Gửi hương cho gió, Biển,… để các em lựa chọn nội dung cảm thụ.

Thứ hai, giáo viên chọn những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả tiêu biểu chưa được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn THPT để học sinh lựa chọn nội dung cảm thụ.

Ở đây việc lựa chọn tác phẩm, tác giả như thế nào sẽ bộc lộ sở trường của giáo viên. Đối với văn học Việt Nam, giáo viên nên chú ý đến một số tác giả của văn học Việt Nam đương đại như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ,…

Đối với tác phẩm mới, giáo viên cần để cho học sinh làm việc thực sự chủ động để có được những cảm thụ khách quan, không áp đặt. Nếu cần, giáo viên chỉ nên giới thiệu tài liệu nghiên cứu để cho các em tham khảo.

Các nguyên tắc cảm thụ

Chia sẻ của thầy Trần Chinh Dương, đối với một văn bản văn học, các nguyên tắc để khám phá thường được khái quát thành: Khám phá lớp ngôn từ, sau đó khám phá lớp hình tượng và cuối cùng là khám phá các tầng ý nghĩa của văn bản.

Trong thực tế, việc cảm thụ một tác phẩm không diễn ra lần lượt và tuần tự như thế mà có thể có những diễn biến phong phú hơn.

Một số nguyên tắc quan trọng đối với học sinh giỏi được thầy Dương nhấn mạnh là: Nuôi dưỡng ấn tượng và liên tưởng, tưởng tượng.

Nói về việc nuôi dưỡng ấn tượng, thầy Dương cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật sống được thực chất là nhờ những ấn tượng mà nó tạo ra.

Chẳng hạn, nghe một bản nhạc, xem xong một vở kịch, đọc xong một truyện, ngâm một bài thơ… người đọc người nghe thường quan tâm đến một đoạn giai điệu để ngân nga, một cái kết đầy lý thú, câu nói của một nhân vật, hay chỉ đơn giản là một hình ảnh giàu sức gợi…

Là vì ở đó người đọc người nghe cảm thấy mình đã được nhìn thấy một thế giới, có được một suy ngẫm, được đánh thức,… mà ta gọi đó là đồng cảm.

Nhưng ấn tượng nếu không được nuôi dưỡng thì ngày một ngày hai nó sẽ biến mất. Vì thế, đối với học sinh giỏi, hình thành ấn tượng về tác phẩm đã quan trọng, nuôi dưỡng nó lại càng quan trọng hơn.

Người giáo viên ôn luyện đội tuyển luôn cần có niềm tin và phải làm cho học trò của mình tin tưởng một điều: Kho ấn tượng là vô tận, làm sao để tránh dẫm lại những lối mòn người trước đã đi qua để tiếp tục đi tìm những ấn tượng mới.

Với tác phẩm “Chí Phèo”, còn có nhiều cách tiếp cận khác, hoặc ít nhất còn có nhiều chi tiết cần được làm mới trong cảm nhận của học trò. Sau nuôi dưỡng ấn tượng, không thể không nói đến con đường của liên tưởng, tưởng tượng.

Liên tưởng, tưởng tượng thực ra không phải là hoạt động sẽ đến sau việc nuôi dưỡng ấn tượng, mà có thể nó sẽ hình thành ngay khi học sinh lần đầu tiếp xúc với tác phẩm.

Nhưng, liên tưởng tưởng tượng xuất hiện sau khi kho ấn tượng đã chín, đã già mới thực sự phát huy giá trị. Bởi vì khi đó, nhờ liên tưởng và tưởng tượng, các kiến thức sẽ được kết nối để ấn tượng được lý giải. Liên tưởng là sự kết nối có lý do các sự vật, hiện tượng, kiến thức do giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ.

Đối với tác phẩm trong và ngoài chương trình Ngữ văn THPT thì cảm thụ không phải là một công việc tùy tiện bởi một nội dung cảm thụ có thể đặt trong nhiều mối quan hệ. Càng ý thức được các mối quan hệ này thì học sinh càng có cơ hội cảm thụ đúng đắn và sâu sắc.

Vì thế, khi hướng dẫn học sinh lựa chọn nội dung cảm thụ của một tác phẩm, giáo viên đồng thời cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các mối quan hệ, hình thành các liên tưởng.

Thầy Trần Chinh Dương nhấn mạnh: Không thể lý giải được ấn tượng nếu như không tưởng tượng. Bản chất của tưởng tượng là hình dung ra một thế giới chưa có hoặc không có trong thực tại. Tưởng tượng nằm trong cơ chế sáng tạo của nhà văn, vì vậy học sinh không thể không dùng tưởng tượng để cảm thụ về tác phẩm.

Không tưởng tượng thì ấn tượng về căn lều mà Chí Phèo ở được miêu tả vào cái buổi sáng hôm ấy (sau đêm gặp Thị Nở) sẽ chưa có nhiều ý nghĩa.

Tưởng tượng để thấy nơi ở của Chí tối tăm thế, hắn nằm trong bóng tối ấy để hướng ra phía ngoài kia toàn là ánh sáng (mặt trời, tiếng chim hót, tiếng người nói chuyện…), và con người trong con người mới bắt đầu sống dậy.

Liên tưởng và tưởng tượng thực sự là con đường để làm giàu cho cảm thụ, là bước sau của nuôi dưỡng ấn tượng, là cơ chế tinh thần quan trọng của bất kì một học sinh giỏi ngữ văn nào.

Hướng dẫn học sinh viết lời bình

Trong rèn luyện năng lực cảm thụ, khâu viết là khâu cuối mà giáo viên ôn luyện cần hướng dẫn học sinh, ở đây nhấn mạnh đến viết lời bình, một nội dung viết vô cùng quan trọng. Vì lời bình có hay, có đắt thì chất lượng của bài văn mới được nâng cao.

Lời bình thể hiện năng lực cảm thụ sâu sắc của học sinh về giá trị tác phẩm, thể hiện năng lực khám phá đời sống rất nhạy bén.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại