Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 27
  • Trong tuần: 346
  • Tất cả: 15,418
Cứ đi rồi sẽ thành đường
(GD&TĐ) - Muốn phát triển tốt hơn, GD phải đi tìm con đường đúng đắn để phát triển. Ai cũng vậy, trong khi tìm tòi cái đúng không phải bao giờ cũng đúng ngay, phải chỉnh sửa lại cũng là điều bình thường. Chúng ta hãy nhìn sự việc một cách thiện chí hơn để cùng xây dựng nền GD Việt Nam như mong muốn.

Sáng  ngày 20/5/2010,  sau buổi  họp báo giới thiệu  Giải thưởng Nhân tài  Đất Việt 2010 tại TP Đà Nẵng,  tôi gặp một GS.TSKH ở  Công viên Phần mềm trên đường Quang Trung. Nghe tôi thông tin lại  Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay sẽ được mở rộng sang lĩnh vực Giáo dục - Khuyến học, sau vài giây nghi hoặc và lo  ngại,  anh chặc lưỡi bảo: “Khó đấy.  Nhưng nói như Lỗ Tấn: Trên thế giới xưa kia làm gì đã có đường,  người ta đi mãi rồi cũng thành đường!”.  Từ việc viện dẫn câu nói nổi tiếng của  Lỗ Tấn, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của  Trung Quốc, vị GS.TSKH nọ đã làm cuộc tranh luận hôm ấy trở nên  sôi nổi.

Triết lý của nhà khoa học này khiến một cán bộ Sở GD-ĐT vỗ tay: “Đúng rồi,  năm  trước tôi có góp ý với  Bộ Giáo  dục và Đào tạo việc tăng cường thanh tra ủy quyền là lãng phí không cần thiết khi kỷ cương đã được chấn chỉnh.  Cứ tưởng  góp ý để cho có vậy, thế mà Bộ đã lắng nghe và năm  nay  có   điều chỉnh  giảm mạnh về số lượng cho phù hợp thực tế.  Hay như chuyện Kỳ thi "Hai trong một", Bộ GD-ĐT đưa ra và lắng nghe dư luận. Đã gọi là dư luận xã hội thì phải có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng quan trọng hơn ở đây là đã có sự sàng lọc nghiêng về quyền lợi của người học".

Nói về việc ngành GD hay bị lấy ra làm đối tượng cho lối phê  bình quy chụp vô lối, một cán bộ tổng hợp của UBND thành phố Đà Nẵng chứ không phải trong ngành giáo dục nói: “Thử hỏi bệnh thành tích có phải của riêng ngành giáo dục hay không? Các anh không ở ngành giáo dục hãy cho biết trong báo cáo tổng kết cuối năm về hoạt động chuyên môn, các nhiệm vụ trọng tâm được cấp trên giao hoặc các hoạt động, phong trào đoàn thể v.v… của ngành mình có mấy anh tự nhận là không hoàn thành nhiệm vụ, về thành tích thường được nêu nhiều hơn phần tồn tại, khuyết điểm. Vậy mà tôi không hiểu sao cứ nói đến bệnh thành tích người ta lại hay quy chụp cho giáo dục…”.

Lắng nghe cuộc đàm đạo trên đây, tôi chợt nhớ cách đây khoảng vài năm, tại một cuộc Hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức, có không ít ý kiến cho rằng, việc một số tỉnh, thành có điều kiện mời các giáo sư, chuyên gia giảng dạy ở tận thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về để luyện thi học sinh giỏi cho đơn vị mình dễ dẫn đến tiêu cực và thiếu công bằng. Có lẽ vì nghiêng về sự thấu hiểu cái khó ở những địa phương thiếu điều kiện như thế và cũng để “phòng bệnh hơn chữa bệnh” Bộ GD-ĐT tạm thời ban hành văn bản không cho các trường mời GV ở địa phương khác đến luyện thi HS giỏi. Nghe đâu, một vài vị “quen mặt đặt hàng” trong hàng ngũ được mời dạy bị đụng chạm đến quyền lợi mới “dãy nảy” lên tìm đến báo chí. Cho đến khi Bộ tìm được những giải pháp tích cực để cải tiến quy trình ra đề, chấm thi chặt chẽ hơn, đã để các địa phương tự quyết định việc có mời GV ở nơi khác đến địa phương mình luyện thi hay không thì thiên hạ mới vỡ lẽ ra trước các bước đi thận trọng của Bộ. Tiếc rằng những sự việc như vậy đã được một bộ phận (không nhiều), hễ được dịp là khái quát lên thành vấn đề to tát (trong văn học gọi là khái quát non) thậm chí cực đoan đến mức không cần đắn đo suy tính khi dùng nhưng từ chẳng giáo dục chút nào. Chắc rằng một GS đang quản lý một trường tư thục có thương hiệu khá nổi tiếng, khi đưa lên một tờ báo mạng một bài viết của mình nhan đề “Vì sao giáo dục đụng đâu… dở đó” chắc cũng chỉ mới nhìn thấy  vế đầu của các đổi mới hoạt động quản lý GD (chắc có liên quan đến cấp học mà trường ông phải thực hiện), chứ chưa nắm được các diễn biến tiếp theo, và chắc chắn chưa thể thấy kết quả của nó… Như vậy rất không nên nhận định, đánh giá vội vã, võ đoán khi chưa có cái nhìn tổng thể, hệ thống, toàn diện.


Muốn phát triển tốt hơn, GD phải đi tìm con đường đúng đắn để phát triển. Ai cũng vậy, trong khi tìm tòi cái đúng không phải bao giờ cũng đúng ngay, phải chỉnh sửa lại cũng là điều bình thường. Báo chí cần tỉnh táo, rộng lượng và tin tưởng. Không nên phủ nhận, chê bai những gì mà mình chưa hình dung ra kết quả. Chúng ta hãy nhìn sự việc một cách thiện chí hơn để cùng xây dựng nền GD Việt Nam như mong muốn.